Thanh toán di động tại Thái-lan tăng cao
Báo cáo của PwC, khảo sát hơn 21 nghìn người được hỏi từ 27 vùng lãnh thổ và quốc gia, cho thấy Đông-Nam Á đang dẫn đầu sự thay đổi nhận thức của khách hàng đối với thanh toán di động.
Thanh toán di động của Việt Nam với số lượng người dùng thanh toán điện tử đã tăng lên 61% trong năm 2019, so với mức 37% vào năm 2018. Trong khi đó, Thái-lan tăng từ 19% lên 67%, tiếp theo là Malaysia xếp thứ ba (17%- 40%) và Philippines (14%-45%).
Theo bà Vilaiporn Taweelappontong, Trưởng tư vấn đối tác tại PwC Thái-lan cho biết, không khó hiểu khi Thái-lan là một trong những quốc gia hàng đầu về thanh toán di động đang phát triển nhanh ở Đông-Nam Á.
Bà Vilaiporn lý giải, việc ngày càng nhiều người Thái sử dụng thương mại điện tử để mua sắm, cũng như nước này là một trong những thị trường truyền thông xã hội hàng đầu thế giới chính là những lý do cho sự tăng trưởng cao trong thanh toán điện tử. Và điều này đã thúc đẩy các nhà bán lẻ khai thác triệt để công cụ mua sắm trực tuyến, đồng thời cạnh tranh thông qua các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Bên cạnh đó, các ngân hàng tại Thái-lan đã loại bỏ phí giao dịch điện tử, giúp kích thích tăng trưởng trong thanh toán trực tuyến.
Tuy nhiên, bà Vilaiporn cũng lưu ý, vấn đề bảo mật trong thanh toán trực tuyến vẫn là một mối quan tâm lớn, bởi đây là chìa khóa để xây dựng lòng tin và lòng trung thành thương hiệu giữa các khách hàng. Các nhà bán lẻ cũng nên nghiên cứu những nền tảng mua sắm trực tuyến mới thông qua các công nghệ như trợ lý giọng nói hoặc trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) để tạo trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn cho khách hàng.
Shirish Jain, Giám đốc thanh toán của PwC Chiến lược cho biết, châu Á vẫn là cường quốc dẫn đầu sự thay đổi của khách hàng sang thanh toán di động, với tám quốc gia châu Á nằm trong top 10 và sáu nước trong số đó ở Đông-Nam Á.
Việt Nam, với tỷ lệ thâm nhập tương đối thấp vào năm 2018, đã có mức tăng trưởng cao nhất khi các nền tảng di động đã chứng minh sự tiện lợi của thanh toán điện tử so với các phương tiện thương mại truyền thống.
Theo khảo sát, người tiêu dùng ở châu Á tham gia trực tuyến nhiều hơn so với những người ở châu Âu và châu Mỹ. Những người được hỏi ở Thái-lan, Indonesia và Việt Nam dẫn đầu toàn cầu trong việc mua hàng trực tuyến thông qua bài viết trên các phương tiện truyền thông xã hội nền tảng như Instagram và Facebook, với 50%, 49% và 48% số người được khảo sát cho biết họ đã mua sắm qua các nền tảng trên.
Trong khi đó, chỉ 21% số người được hỏi trên toàn cầu cho biết, họ thực hiện mua hàng trực tiếp thông qua phương tiện truyền thông xã hội.