Tái hiện Lễ bốc Mó của dân tộc Thổ
Theo người dân xóm Phượng, xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp (Nghệ An), ý nghĩa của Lễ bốc Mó để nhớ ơn tổ tiên, gìn giữ, bảo vệ nguồn nước tưới tiêu khi hạn hán kéo dài.
Mó nước là nguồn nước ngầm tự nhiên phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân tộc Thổ ở Nghệ An nói riêng, cộng đồng các dân tộc nói chung. Mó nước còn mang ý nghĩa linh thiêng, là nguồn cội và mạch nguồn sự sống, từ khi tổ tiên đi tìm mó nước đến khi lập làng, gìn giữ, bảo vệ mó nước và phát triển làng sinh sôi, trù phú. Lễ bốc Mó thường được tổ chức vào dịp sau Tết Nguyên đán, cuối mùa xuân sang mùa hạ, khoảng tháng 4 đến 5 (âm lịch) hằng năm.
Về bản chất, đây là lễ cúng đền khai thông mó nước vào dịp cuối xuân sang hạ, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho nguồn nước mó tuôn chảy không cạn, để phục vụ cuộc sống sinh hoạt và việc tưới tiêu của nông dân…
Trong Lễ bốc Mó, bà con dân tộc Thổ chuẩn bị sẵn lễ vật từ sớm gồm: một cỗ xôi gà, bánh đầu chó, rượu cần, cây nêu... Mở đầu, thầy mo thực hiện nghi thức cúng trong nhà, báo cáo và xin các vị thần linh chứng giám. Thầy làm lễ cúng vái tứ phương, vái thần bếp. Sau đó, các lễ vật cúng được đưa ra ngoài nhà, phía bãi đất trống có khu vực tượng trưng cho mó nước. Thầy mo ngồi cúng phía trước, dân làng xếp hàng phía sau, nam ngồi ngay phía sau thầy mo, nữ xếp hàng thành hai tốp tiếp theo. Thầy mo làm lễ cúng tế, cầu xin thần Mó, thổ công long mạch, thổ thần thổ địa, phù hộ độ trì cho nước mó tuôn chảy không ngừng về đầy đồng, ao chuôm, mùa màng tốt tươi. Sau mỗi lần thầy mo cúng và vái lạy xong, dân làng vái lạy theo, bộ gõ (cồng chiêng, kèn ô loa, trống cái, bục bục, xập xoèng) sẽ được dân làng tấu lên. Kết thúc nghi thức cúng, các điệu múa và lời ca được cất lên, mừng thông mó và mừng vui do các nghệ nhân dân tộc Thổ thể hiện…
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Quỳ Hợp Trương Thị Kim Chi chia sẻ, Lễ bốc Mó là một trong những truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Thổ. Việc tái hiện lễ hội góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc
Việt Nam nói chung và đồng bào Thổ trên địa bàn Nghệ An nói riêng.