Dung dưỡng xe quá tải, tiếp tay gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm
Những con số khủng khiếp
Theo số liệu đếm xe của một công ty tư vấn vào hai ngày 23 và 24-3 vừa qua (trước khi triển khai các trạm cân lưu động) trên đoạn tuyến có lưu lượng xe tương đối thấp ở quốc lộ 1 tại địa bàn Hà Tĩnh cho thấy, bình quân một ngày-đêm có khoảng 800 xe công-ten-nơ, hơn 3.000 xe tải nặng và khoảng 1.000 xe khách cỡ lớn. Giả sử 10% số xe công-ten-nơ và xe tải này chở gấp hai và 10% chở gấp ba lần tải trọng được phép, sức tàn phá của chúng sẽ tương đương 36.860 xe tải/ngày-đêm.
Theo các tiêu chuẩn hiện hành được sử dụng để thiết kế đường ô-tô, hệ số tính đổi thành xe tiêu chuẩn (PCU) của xe tải thay đổi từ 2,5 đối với xe tải ba trục đến 5 đối với xe kéo moóc, xe công-ten-nơ. Nếu lấy trung bình hệ số tính đổi cho mọi loại xe tải là 3,75, số lượng xe tính đổi thành xe tiêu chuẩn sẽ là 138.225 PCU/ngày-đêm. Theo lưu lượng PCU/ngày-đêm được sử dụng để thiết kế đường cấp III có hai làn xe (tối thiểu 3.000 PCU/ngày-đêm, tối đa không vượt quá 6.000 PCU/ngày-đêm), con số này gấp hơn 23 lần thiết kế.
Như vậy, khi có 10% xe tải chở quá tải trọng gấp hai và 10% xe tải chở quá tải trọng gấp ba lần, sự phá hoại đường do chúng gây ra sẽ gấp hơn 23 lần khả năng chịu đựng của con đường. Ðáng lẽ con đường bảo đảm chất lượng phục vụ vận tải được 15 năm theo thiết kế, nhưng xe chở vượt tải với mức độ trên, đường chỉ tồn tại được 7 - 8 tháng.
Từ các kết quả tính toán để định lượng sức tàn phá của xe chở quá tải đối với cầu đường đã nêu với 3.800 xe tải các loại/ngày-đêm đếm được trên quốc lộ 1 có thể thấy, trong số 3.800 xe tải các loại nói trên, chỉ cần 10% xe tải chở quá tải với mức độ vượt tải 1,25 lần (25%), số lượng xe tiêu chuẩn tính được là 16.387 PCU, tác động của chúng gấp gần ba lần khả năng chịu tải thiết kế của kết cấu nền mặt đường tính cho một chu trình phục vụ trong vòng 10 - 15 năm. Do vậy, chỉ sau 3 - 5 năm, kết cấu nền mặt đường sẽ bị phá nát và phải tiến hành đại tu. Khi mức độ chở quá tải càng tăng, sức phá hoại của chúng đối với con đường càng khủng khiếp. Nếu có 30% xe chở quá tải và mức độ vượt tải gấp ba lần, số lượng xe tiêu chuẩn tính được là 356.250 PCU, tăng gấp 59 lần lưu lượng PCU tối đa dùng để thiết kế đường cấp III có hai làn xe. Nếu xảy ra trường hợp này, chỉ sau vài ba tuần đưa vào sử dụng, những chiếc xe quá tải này sẽ "băm nát" con đường. Ðáng lẽ đường phải sử dụng tốt trong 10 năm đầu, nhưng do xe chở quá tải, chỉ cần chưa đến một năm đưa vào sử dụng, đường sẽ phải tiến hành đại tu.
Thứ trưởng GTVT Lê Ðình Thọ nhận định: Xe chở quá tải có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp vài trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng gây thiệt hại cho quốc gia có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Ðây là nghịch lý không thể chấp nhận được, bởi tiền làm đường dù vốn ngân sách hay vốn vay nước ngoài đều là tiền thuế của người dân đóng góp. Nhiều công trình giao thông được đầu tư xây dựng, nâng cấp với số vốn hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã xuống cấp nghiêm trọng do các xe chở quá tải cày xới, như khi chưa đầu tư nâng cấp.
"Bài toán" lợi nhuận
Có thể khẳng định, lợi nhuận thu được từ xe chở quá tải là không đáng kể so với thiệt hại do chúng gây ra.
Xe chở quá tải, quá khổ không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thao tác kỹ thuật của lái xe như: không kịp phản ứng, căn đường và xử lý tình huống không chuẩn xác,... mà còn là nguyên nhân gây ra các hư hỏng đột ngột như nổ lốp, giảm hoặc mất hiệu lực của hệ thống phanh, lật xe khi vào cua,... dễ dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng, gây tổn thất khôn lường về sinh mạng và tiền của.
Chủ trương triển khai đồng loạt trạm cân lưu động trên các tuyến đường trọng điểm ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm kiểm tra, giám sát tải trọng của các xe tải khi lưu thông của Chính phủ là chủ trương hết sức đúng đắn, cần được các cấp, các ngành liên quan thực hiện nghiêm túc và khẩn trương.
Nương tay dung dưỡng với xe chở quá khổ, quá tải là góp phần tiếp tay gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế nước nhà. Mặt khác, kiểm soát xe chở quá tải trên đường bộ còn là công cụ hữu hiệu để xóa bỏ "giá cước ảo" trong vận tải đường bộ, xóa bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải, phát triển cân đối và bền vững các loại hình vận tải. Tại hội nghị nâng cao năng lực, chất lượng của vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải để giảm tải cho vận tải đường bộ mới đây, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đã khẳng định: Kiểm soát tải trọng không phải gây khó khăn cho người dân mà là tạo điều kiện đưa giá cước về đúng giá thị trường. Kiểm soát chặt xe chở quá tải, quá khổ trên hệ thống đường bộ không những giảm thiểu thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm mà còn là khâu đột phá để đưa hoạt động vận tải đi đúng quy luật, nhằm phát triển bền vững ngành GTVT.
Kiên quyết thực hiện các biện pháp ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ xe quá khổ, quá tải, có thể nói rằng, ngành GTVT chưa từng có cuộc cải tổ vận tải nào quy mô lớn và tính chất quyết liệt như hiện nay.
Hiện nay, chi phí đại tu cho 1 km đường ô-tô cấp III có hai làn xe vào khoảng 10 tỷ đồng. Chỉ tính riêng quốc lộ 1 với quy mô hai làn xe, chi phí này sẽ lên khoảng 2,3 tỷ USD/năm. Sơ bộ, xe chở quá tải tàn phá cầu đường gây thiệt hại kinh tế tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. |
Quyết liệt kiểm soát tải trọng phương tiện Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Ðinh La Thăng vừa ký Công văn hỏa tốc số 4770/BGTVT-VT yêu cầu: * Tổng cục Ðường bộ Việt Nam phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng của Bộ Công an, triển khai có hiệu quả kế hoạch phối hợp của hai bộ. * Chủ trì phối hợp Công ty TNHH một thành viên Hanel (đơn vị cung cấp hệ thống cân lưu động) và các địa phương khắc phục sửa chữa hư hỏng, bảo đảm trạm cân hoạt động liên tục, duy trì độ chính xác, hạn chế sai số đến mức thấp nhất. * Chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ thành lập các tổ công tác lưu động kiểm soát tải trọng xe tại các địa phương duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của Trung tâm tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình,... * Yêu cầu Cục Ðăng kiểm Việt Nam rà soát lại toàn bộ hồ sơ đăng kiểm của xe đầu kéo và sơ-mi rơ-moóc; thẩm tra, thống nhất giá trị trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông theo quy định; kiểm tra đột xuất các phương tiện giữa hai kỳ kiểm định. * Các Cục Hàng hải, Hàng không, Ðường thủy nội địa, Ðường sắt và các đơn vị kinh doanh vận tải khối lượng lớn tăng cường các giải pháp đồng bộ, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng và cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức. |